.
Tên đầy đủ của thánh đường Hồi giáo là Sheikh Zayed Bin Sultan Al Nahyan, tên của quốc vương – người thành lập nên Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và là người có ý tưởng cho xây dựng thánh đường này.
.
.
Diện tích tổng thể của thánh đường khoảng 22.000m2, với 4 cổng ra vào. Phía bên ngoài là sân có sức chứa trên 20.000 người đến làm lễ, được lát bằng đá cẩm thạch nhập khẩu từ Ý, Hy Lạp, Ấn Độ và Trung Quốc. Loại đá này có điểm rất đặc biệt là khi ta đặt chân lên sẽ cảm thấy rất mát cho dù nhiệt độ có lên tới 500C. Cũng với chất liệu này, quốc vương Zayed đã cho xây dựng lăng mộ của mình ngay cạnh thánh đường. Ông được chôn cất tại đây ngày 2/11/2004, ba năm trước khi nhà thờ được khánh thành.
.
Thánh đường có 82 mái vòm, trong mỗi mái vòm đều lắp đặt loa để gọi tín đồ mỗi khi đến giờ làm lễ. 1096 chiếc cột được mang hình ảnh cây chà là – một loại cây đặc trưng của Trung Đông và loại cây này được nhắc đến hơn 20 lần trong kinh Qur’an. Chính những chiếc cột mang dáng dấp cây chà là là biểu tượng của thánh đường.
.
.
Trên tường và sàn nhà là những motif cây cỏ hoa lá được thực hiện bởi những nghệ nhân người Italia – họ đã lấy những nguyên mẫu trong kiến trúc Art Nouveau để thực hiện ý tưởng của mình. Điều thú vị là luôn có sự tương xứng của các họa tiết trên trần và sàn nhà.
.
Phòng chính của thánh đường có sức chứa khoảng 8.000 người đến cầu nguyện. Điều kỳ diệu làm bất cứ du khách nào tới đây đều không khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ, đó là chiếc thảm lớn nhất thế giới được làm bằng tay bởi 1.200 người phụ nữ Iran trong suốt 18 tháng với 38 tấn len. Tấm thảm này có diện tích gần 6.000 m2 với 2,2 tỷ mũi dệt. Một kỷ lục nữa được treo dưới mái vòm cao 70m ở chính giữa phòng, đó là chiếc đèn chùm lớn nhất thế giới trang trí trong các cơ sở thờ tự tôn giáo (lớn thứ 2 trên toàn thế giới) với chiều cao 15m, nặng 9,5 tấn được làm với pha lê màu xanh, đỏ, vàng và trắng.
.
.
Tham gia xây dựng và thiết kế công trình này có trên 50 kiến trúc sư đến từ nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, nó là sự kết tinh của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau: chỉ có bốn tháp Minara mang phong cách Ảrập, còn lại các cây cột mang phong cách của người Moro, những hoa văn họa tiết làm người ta liên tưởng đến các công trình kiến trúc ở Marốc, còn tổng thể bên ngoài thì thánh đường chịu ảnh hưởng của phong cách Ấn Độ (giống ngôi đền Taj Mahal ở Ấn Độ).
.
Đây là một trong 10 thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới, thời điểm đông tín đồ đến làm lễ lên tới trên 40.000 người. Hàng ngày có khoảng 4.000 đến 6.000 du khách đến viếng thăm thánh đường với nhiều thành phần khác nhau: từ người theo Hồi giáo cho đến người theo các tôn giáo khác, từ người bản địa cho đến du khách thập phương. Đây quả là một điểm du lịch hấp dẫn, song vẫn giữ được sự tôn nghiêm của tôn giáo: khi tham quan thánh đường, tất cả mọi người đều phải đi chân đất, du khách nữ không là người Hồi giáo bắt buộc phải mặc trang phục của nữ tín đồ mới được vào trong thánh đường. Năm 2009, thánh đường này là điểm đến hấp dẫn nhất Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.
.
Sheikh Zayed Grand giờ đây đã trở thành niềm tự hào của các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, bên cạnh các tòa nhà chọc trời nổi tiếng thế giới. Chuyến đi tới Abu Dhabi sẽ không trọn vẹn nếu du khách không ghé thăm thánh đường Sheikh Zayed Grand, để chiêm ngưỡng lối kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, và đắm mình trong bầu không khí linh thiêng của thế giới đạo Hồi.
.
.